Poodle là một giống chó đặc biệt khi sở hữu bộ lông xoăn tuyệt đẹp và có cơ chế mọc như tóc người. Vì thế, việc chăm sóc, cắt tỉa lông cho chúng cần phải được thực hiện thường xuyên, tỉ mỉ và cẩn thận hơn.
Trong bài viết dưới đây, Milu Xinh sẽ cung cấp cho bạn kiến thức cần thiết về cách chăm sóc và cắt tỉa lông cho Poodle để chó cưng luôn có bộ lông khỏe và đẹp nhé.
Cạo lông máu cho Poodle
Lông máu là gì?
Như tất cả các giống chó khác, Poodle sinh ra đã có lông và lớp lông đầu tiên này được gọi là lông máu. Nó có nhiệm vụ giữ ấm cho Poodle con ngay từ khi lọt lòng và bảo vệ chúng khỏi những tác động từ môi trường bên ngoài.
Lúc còn nhỏ, lớp lông máu này sẽ rất mềm, khá mỏng và màu sắc cũng chưa rõ nét nên bạn vẫn chưa thể biết được Poodle có màu gì. Chỉ đến khi chúng lớn lên, bộ lông máu ban đầu sẽ rụng dần hoặc do chủ nhân cắt tỉa thì số lượng lông mới nhiều, dày xù và xoăn hơn. Đồng thời, màu sắc lông của Poodle cũng được định hình rõ ràng hơn với các màu như đen, trắng, nâu đỏ, xám…
Có nên cạo lông máu cho Poodle?
Việc nên hay không nên cạo lông máu cho Poodle sẽ tùy thuộc vào ý muốn chủ quan của người nuôi. Một số người cho rằng cạo lông máu sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như làm mất đi vẻ đẹp vốn có của Poodle. Nhưng cũng có người cho rằng cạo lông máu sẽ giúp chúng đẹp hơn, lông mềm và mượt hơn. Cho đến nay chưa một nghiên cứu nào khẳng định có nên cạo bỏ lớp lông này đi hay không. Và thực tế, dù là cạo hay không cạo đều sẽ có cả những ưu điểm và nhược điểm.
Ưu điểm
Khi cạo lông máu, lớp lông mới mọc lên sẽ dày hơn, xoăn, phồng hơn nên trông cũng bồng bềnh và bắt mắt hơn nhiều. Bé sẽ khoác lên mình chiếc áo mới mang đậm tính thuần chủng của giống Poodle. Điều này tạo thuận lợi cho việc tỉa tót, tạo kiểu, giúp chúng trở nên thật xinh xắn, đáng yêu và nổi bật với phong cách riêng.
Không chỉ vậy, lớp lông mới cũng cứng hơn lớp lông cũ nên sẽ bảo vệ cho Poodle tốt hơn.
Nhược điểm
Trước khi có được một bộ lông hoàn hảo và đẹp mắt, giai đoạn đầu sau khi Poodle cạo lông máu sẽ khá khó khăn. Bởi bé đã quá quen với việc mang trên mình lớp lông ấy, khi cạo đi, Poodle sẽ cảm thấy lạ lẫm. Thậm chí, nhiều chú chó còn có biểu hiện tâm lý do không quen với diện mạo mới của mình.
Bên cạnh đó, cạo lông máu cũng đồng nghĩa với việc lớp áo bảo vệ cho Poodle đã không còn. Thân nhiệt của chúng cũng theo đó mà bị thay đổi. Vì thế, bạn cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề chải chuốt, tắm rửa, luôn chú ý, trông chừng, tránh để Poodle bị va chạm mạnh hay bị thương.
Lớp lông mới sẽ khiến Poodle có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Bé sẽ có những hành vi như lấy chân gãi, cắn bậy hay cọ xát cơ thể xuống đất hoặc các bề mặt nhám để giảm cảm giác này. Đã có nhiều trường hợp vì quá ngứa mà Poodle gãi đến chảy máu, rất đau đớn.
Ngoài ra, lớp lông mới mọc lên có thể sẽ không như ý muốn, cứng, xoăn và khó tạo kiểu hơn trước đây. Do đó, bạn sẽ phải kiên trì, chăm sóc, chải chuốt thường xuyên hơn.
Những lưu ý khi cạo lông máu cho Poodle
Từ 4 tháng tuổi trở đi, bạn có thể tiến hành cạo lông máu cho Poodle. Cạo càng sớm thì bộ lông mới sẽ càng đẹp và mượt mà. Nhưng cũng không nên quá sớm (dưới 4 tháng tuổi) vì khi đó sức đề kháng của chó không tốt, rất dễ phát sinh bệnh.
Sẽ phải mất một thời gian dài thì lông của Poodle mới hoàn toàn mọc lại. Trong khoảng thời gian ấy, bạn cần thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho chúng, sử dụng các sản phẩm sữa tắm, dầu gội, dầu xả có chứa vitamin E để bộ lông mới mọc lên lên được đẹp và khỏe hơn.
Chế độ dinh dưỡng cũng là điều bạn cần lưu ý. Hãy bổ sung trong khẩu phần ăn hằng ngày của Poodle các thực phẩm giàu Omega 3 như trứng vịt lộn, dầu cá… để giúp lông chúng mềm mượt và óng ả hơn, tránh trường hợp bết dính vào nhau trong quá trình mọc.
Không cạo lông máu lúc thời tiết đang lạnh vì chó cần bộ lông để giữ ấm cơ thể. Chỉ nên cạo khi thời tiết mát mẻ.
Cắt tỉa lông cho Poodle
Vì sao cần cắt tỉa lông cho Poodle?
Như chúng mình đã chia sẻ ở trên, Poodle là giống chó có cấu tạo lông khá đặc biệt bởi có cơ chế mọc như tóc người và hầu như không bị rụng. Do đó, việc cắt tỉa lông thường xuyên là rất cần thiết, tránh để lông mọc dài quá che phủ toàn bộ khuôn mặt và gây bất tiện cho các hoạt động hằng ngày của chúng.
Cứ 3 – 6 tuần/ lần, bạn cần đưa Poodle nhà mình đi cắt tỉa lông thật gọn gàng. Việc này không chỉ giúp chúng sạch sẽ mà ngoại hình cũng trở nên xinh đẹp hơn. Đồng thời, bạn có thể chủ động bảo vệ chó cưng khỏi các bệnh lây nhiễm nguy hiểm, các bệnh da liễu gây ra bởi nhiều loại vi khuẩn, kí sinh trùng ẩn dưới bộ lông rậm rạp của chúng.
Quy trình cắt tỉa lông
Để cắt tỉa lông cho Poodle, bạn có thể đưa chúng đến các tiệm làm đẹp, spa chuyên chăm sóc cho thú cưng. Tại đây, các nhân viên sẽ dùng những bộ đồ nghề chuyên dụng để cắt tỉa, tạo hình cho bộ lông của Poodle. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ giúp bạn kiểm tra các bộ phận trên cơ thể chúng như tai, kẽ chân… xem có ve, bọ chét hay không.
Nếu bạn muốn tự tay chăm sóc lông cho chó cưng để tiết kiệm chi phí cũng như sáng tạo theo ý muốn thì có thể thực hiện việc cắt tỉa tại nhà. Bạn sẽ cần một bộ dụng cụ bao gồm: kéo, lược, tông đơ và tốt nhất nên có thêm một cuốn sách hoặc video dạy cắt tỉa lông cho Poodle. Hoặc bạn có thể tham khảo quy trình dưới đây:
Bước 1: Chải lông
Trước khi tiến hành cắt tỉa, bạn cần chải kỹ tất cả các phần lông trên cơ thể Poodle để loại bỏ lông rụng. Đồng thời, gỡ rối các phần lông bết dính để quá trình cắt tỉa diễn ra thuận lợi. Chải lông trước khi cắt tỉa sẽ giúp bạn xác định được khu vực nào lông mọc không đều và độ dài lông bạn cần cắt.
Chải lông cho chó thì nên chải xuôi theo hướng lông mọc. Tức là từ đầu xuống đến đuôi, từ bả vai xuống đến chân. Tuyệt đối không chải ngược lại dễ khiến lông bị rối thêm.
Bước 2: Cắt tỉa lông phần chân
Bạn để cho Poodle ngồi đối diện và di chuyển tông đơ về phía trước để tỉa lông phía trên bàn chân. Lưu ý, chiều tông đơ phải hướng từ móng chân đến cuối ngón chân của chó. Sau đó, tách ngón chân của Poodle ra và cắt tỉa phần lông ở giữa bằng các góc ngoài của tông đơ, cần phải thật nhẹ nhàng, cẩn thận để không bị cắt vào da. Tương tự với các bàn chân còn lại.
Bước 3: Cắt tỉa lông phần đầu
Bàn tay không cầm tông đơ của bạn giữ nhẹ mõm của Poodle và tỉa lông từ tai trái đến góc phía ngoài của mắt trái. Sau đó, dùng tay giữ cho phần da phía bên dưới mắt của Poodle dãn ra, cắt tỉa lông bên dưới mắt và tránh phạm vào da. Làm tương tự với mắt bên kia. Tiếp tục, bạn dùng kéo nhẹ nhàng cắt tỉa vùng chữ V ở giữa hai mắt. Chú ý, không tỉa phần lông phía bên trên hai mắt.
Tiếp theo, bạn sẽ phải giữ mõm Poodle sao cho phần da ở cạnh mõm dãn ra. Sau đó, cắt tỉa lông xung quanh miệng và má. Thêm một điểm cần lưu ý đó là khi cắt tông đơ cần phải được di chuyển từ mắt đến mũi. Tiếp đến, bạn cần giữ phần đầu của Poodle ngẩng lên rồi cắt tỉa phần lông dưới mõm.
Bước 4: Cắt tỉa lông phần thân
Ở phần này, bạn có thể cắt tỉa cho Poodle tùy theo ý thích. Nên cắt tỉa theo thứ tự: cổ, lưng, ngực, bụng và cuối cùng là đuôi. Hãy chú ý tỉa mỏng những khu vực rậm rạp bằng kéo chuyên dụng.
Bước 5: Hoàn thành việc cắt tỉa và tắm cho Poodle
Sau khi hoàn thành việc cắt tỉa, bước cuối cùng là tắm cho Poodle để loại bỏ những sợi lông còn vương lại sau cắt. Nên dùng thêm các sản phẩm dầu xả hay dầu dưỡng ẩm để lông chó mềm mượt hơn.
Sau khi tắm thì nên làm khô toàn bộ cơ thể Poodle bằng máy sấy chuyên dụng. Bạn nên vừa sấy vừa kết hợp dùng lược để chải lông cho chúng nhằm tạo kiểu. Hãy chú ý sấy khô lông những chỗ ngóc ngách như: kẽ chân, tai… vì trong trường hợp độ ẩm cao, có thể nảy sinh ký sinh trùng, nấm, ghẻ tại những khu vực đó.
Lưu ý
- Trong những lần đầu tiên, Poodle nhà bạn có thể giãy dụa vì chưa quen nên cần thêm 1 đến 2 người giữ bé lại. Hoặc bạn có thể dùng những loại thích ăn yêu thích dụ dỗ để bé đứng yên. Nếu không, các đường cắt tỉa sẽ không chính xác gây xấu cho bộ lông, thậm chí là làm bị thương đến cơ thể của Poodle. Còn về sau khi đã quen được cắt tỉa lông, chó sẽ ngoan ngoãn hơn.
- Cắt tỉa chậm rãi và nhẹ nhàng. Tránh cầm kéo hay tông đơ ở một góc dốc có thể gây tổn thương da chó. Nếu bạn không chắc mình cầm kéo hay tông đơ đúng cách thì nên dùng lược đặt giữa kéo và da để tạo một hàng rào an toàn.
Các kiểu cắt tỉa lông chó Poodle đẹp
Kiểu đầu tròn
Với kiểu tỉa lông này, lông Poodle sẽ được tạo bông xù ở phần mặt và tai theo dạng hình tròn. Phần lông ở thân sẽ được cắt tỉa ngắn lại gọn gàng. Dù phải hy sinh bộ lông xoăn dài của mình nhưng với kiểu tỉa lông này các bé Poodle sẽ trở nên cực kỳ đáng yêu, trông như những cục bông di động. Kiểu đầu tròn phù hợp với dòng Tiny Poodle có ngoại hình nhỏ nhắn.
Kiểu gấu Teddy
Với kiểu gấu Teddy, lông Poodle sẽ được cắt tỉa gọn gàng ở trên khắp cơ thể với độ dày ngang bằng nhau. Kiểu này khá đơn giản và dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả cực kỳ cao. Cún cưng của bạn không những trông gọn gàng hơn mà còn ngộ nghĩnh, dễ thương như những chú gấu Teddy vậy. Những dòng Poodle nhỏ như Toy, Tiny và Teacup sẽ rất hợp với kiểu lông này.
Kiểu quý tộc
Poodle sẽ được cắt tỉa gần như toàn bộ phần lông ở thân sau, chỉ giữ lại lông ở phần đầu, hông, mắt cá chân và chỏm đuôi. Kiểu tạo hình này thường thấy ở những chú Poodle dòng Standard với kích thước trung bình có phần mõm và tai dài, ủ sát đầu. Phong cách này khá được ưa chuộng ở các nước châu Âu với vẻ đẹp điệu đà, sang chảnh.
Chăm sóc lông cho Poodle
Ngay cả khi Poodle được cắt tỉa và chăm sóc lông một cách chuyên nghiệp, bạn vẫn nên chải lông cho chúng 2 ngày / lần. Bởi poodle không giống các giống chó khác, bộ lông xoăn và dày khiến các sợi lông rất dễ bị bết và rối vào nhau. Chải chuốt thường xuyên sẽ giúp chúng luôn mượt mà. Lưu ý nên dùng găng tay chải lông chuyên dụng vì các loại lược thông thường sẽ làm lông Poodle bị giảm độ xoăn. Hơn nữa găng chải lông cũng có tác dụng mát xa, giúp các bé thoải mái hơn. Một lợi ích nữa của việc chải lông hằng ngày là bạn có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường trên người chó như mẩn đỏ, viêm, nấm,… từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, việc tắm 1 – 2 lần/ tuần cũng rất cần thiết để giữ cho bộ lông luôn sạch sẽ. Hãy sử dụng các loại dầu tắm chuyên dụng hoặc coat conditioner để lông Poodle luôn khỏe và mềm mượt.
Nhiều bé Poodle thường xuyên bị chảy nước mắt làm ướt và bẩn vùng lông quanh mắt. Bạn nên lau vùng lông quanh mắt cho chúng hàng ngày vào mỗi buổi sáng, bằng khăn mềm và nước ấm, giống như rửa mặt vậy.
Vệ sinh cho Poodle
Trước khi nghĩ đến việc chải chuốt, làm đẹp cho Poodle thì việc trước tiên cần làm là phải luôn giữ cho bé được sạch sẽ. Bạn nên dành thời gian để huấn luyện cho poodle tắm rửa, đánh răng, cắt tỉa móng chân định kỳ ngay từ khi chúng còn nhỏ, để tập cho chúng làm quen với việc vệ sinh cá nhân. Đừng quên kèm theo những cái vuốt ve và phần thưởng mỗi khi xong việc để chúng ngoan ngoãn vào những lần sau.
Việc đánh răng nên được thực hiện hằng ngày hoặc ít nhất 3 lần/ tuần để loại bỏ vi khuẩn tích tụ gây nên các bệnh về răng miệng cũng như ngăn hơi thở có mùi.
Nên cắt móng chân cho Poodle khoảng 1 – 2 lần mỗi tháng, tránh để móng quá dài vì sẽ gây bất tiện cho việc di chuyển của các bé và tiềm ẩn nguy cơ làm xước các đồ vật trong nhà hay tệ hơn bạn có thể bị thương khi chơi đùa với chúng.
Như vậy, Milu Xinh đã chia sẻ cùng các bạn những kiến thức về chăm sóc và cắt tỉa lông cho Poodle đơn giản tại nhà, để cún cưng của bạn luôn xinh xắn, đáng yêu. Nếu có bất cứ điều gì thắc mắc, hãy để lại bình luận bên dưới để chúng mình giải đáp nhé.
from Cat Health Care Guide https://ift.tt/2VWDUTa
via Milu Xinh trên Tumblr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét